Nghị luận về sống có trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm (+20) Update 04/2024

✔ Tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về sống có trách nhiệm. Giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo. Qua đề bài này, các em học sinh sẽ có thêm hiểu biết về tinh thần trách nhiệm và quan tâm tới lợi ích của người khác hơn.

Dàn ý nghị luận về sống có trách nhiệm

Tổng hợp các dàn ý chi tiết và tổng quan cho đề bài nghị luận về việc sống có trách nhiệm.

Mở bài

  • Giới thiệu vấn đề cần nghị luận lối sống có trách nhiệm trong xã hội.
  • Từ xưa đến nay, con người vẫn được xem là tế bào của xã hội.
  • Đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước.
  • Mỗi cá nhân và có ý thức và trách nhiệm và phát huy nếp sống lành mạnh, tinh thần tự giác, có trách nhiệm trong cuộc sống.

Thân bài

#1. Khái niệm
  • Sống có trách nhiệm là biết hành xử đúng đắn, biết phân biệt phải trái, biết đối nhân xử thế, giữ lời hứa, dám làm dám chịu hậu quả. 
  • Tích cực và tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, chủ động làm những việc cần làm, không né tránh hay thờ ơ hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.
  • Sống có trách nhiệm là làm tròn nghĩa vụ, bổn phận của mình đối với xã hội, trường lớp, gia đình và chính bản thân mình, dám làm dám chịu trách nhiệm về những hành động của bản thân ví dụ làm sai việc gì đó, hoặc có lỗi với người khác không sợ bị chê trách mà dám đứng ra nhận lỗi để sửa sai lỗi lầm và góp phần hoàn thiện bản thân mình hơn
#2. Lý do phải sống có trách nhiệm
  • Sống có trách nhiệm được xem là chuẩn mực đạo đức, để đánh giá nhân cách, phẩm chất của mỗi người
  • Đó được xem là một lối sống đẹp, phẩm chất đáng quý, cần thiết mỗi người đặc biệt là thế hệ trẻ chủ nhân tương lai của đất nước.
  • Sống có trách nhiệm là hành động khẳng định giá trị bản thân, là dấu hiệu cơ bản, quan trọng của việc hòa nhập với cộng đồng và giúp cho xã hội trở nên tốt đẹp, đất nước phát triển giàu mạnh, tiến bộ hơn. 
  • Đây là một trong những đặc tính quan trọng của người thành công. “Khi nói là làm, dám chịu trách nhiệm về những gì bản thân thực hiện thì không chỉ lấy được lòng tin từ người khác mà còn nâng cao giá trị bản thân. Chính điều đó sẽ khiến dễ thành công, giàu có, có được nhiều mối quan hệ chất lượng hơn
#3. Biểu hiện của lối sống có trách nhiệm
Đối với học sinh, thế hệ trẻ ngày nay
  • Chăm chỉ học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, không ngừng nâng cao trí thức, trau dồi kiến thức chuyên môn và văn hóa.
  • Tuân thủ theo quy định chung của nhà trường đặt ra, thực hiện nghiêm túc 
  • Tính tự chủ, tự giác trong học tập, không gian lận trong thi cử, có kế hoạch mục tiêu định hướng nghề nghiệp rõ ràng, đó là có tinh thần trách nhiệm với bản thân.
  • Tinh thần hòa nhập cộng động, tập thể, có lòng yêu nước sâu sắc,…
Đối với công chức
  • Thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm với đảng và nhà nước giao, không được né tránh, hay trốn tránh công việc chẳng hạn như việc có tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ đất nước khi nước nhà lâm nguy,…
  • Không được lạm dụng chức quyền mà làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, không vì tư lợi cá nhân mà làm gây hại đến người khác.
Đối với công dân
  • Nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật của nhà nước
  • Có trách nhiệm trong công việc, trong tập thể
  • Luôn sống trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
  • Biết cảm thông, sẻ chia, giúp đỡ mọi người, biết sống yêu thương mọi người
  • Tinh thần tự giác trong hoạt động tập thể, không đùn đẩy trách nhiệm, chỉ biết sống cho riêng mình
  • Biết yêu thương bản thân, tích cực tập thể dục thể thao, tạo cho mình thói quen, nếp sống lành mạnh để có thể học tập tốt, tinh thần thoải mái, sống tích cực
  • Biết nhận sai, sửa lỗi không trốn tránh trách nhiệm, có trách nhiệm trong lời ăn tiếng nói, hành động.
  • Sống có trách nhiệm với ba mẹ, anh chị em, có trách nhiệm lời ăn tiếng nói hằng ngày.
#4. Ý nghĩa lối sống có trách nhiệm
  • Hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ được giao
  • Sống có trách nhiệm sẽ được mọi người yêu quý, kính trọng, ngưỡng mộ và có cái nhìn thiện cảm, nhận lòng tin của mọi người
  • Là yếu tố không thể thiếu để tạo nên thành công trong công việc và cuộc sống
  • Tinh thần trách nhiệm ở mỗi người góp phần tạo dựng một xã hội văn minh, đất nước giàu mạnh, tiến bộ hơn.
#5. Bàn luận mở rộng
  • Nêu những dẫn chứng những biểu hiện cụ thể về lối sống có trách nhiệm.
  • Ngoài ra cũng dẫn chứng thêm lối sống thiếu trách nhiệm, từ đó lên án phê phán lối sống thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội
  • Rút ra bài học nhận thức và hành động, liên hệ bản thân

Kết bài

  • Tổng kết vấn đề nghị luận lối sống trách nhiệm là vô cùng cần thiết đặc biệt thế hệ trẻ chủ nhân tương lai của đất nước.
  • Cần gìn giữ và phát huy nếp sống lành mạnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm để góp phần xây dựng quê hương đất nước phát triển giàu mạnh.

Dàn ý nghị luận về tinh thần trách nhiệm – Mẫu 2

Mở bài

  • Mỗi con người sống trong xã hội này đều mang trong mình mỗi sứ mệnh riêng đối với xã hội.
  • Hoàn thành sứ mệnh bản thân, sống có ích cho xã hội một phần nào thể hiện được sự có trách nhiệm với xã hội này.
  • Đây là một tính cách mà mỗi người cần phải có.

Thân bài

#1. Khái niệm sống có trách nhiệm

Sống có trách nhiệm là làm tròn nghĩa vụ của bản thân đối với gia đình và xã hội, không đùn đẩy trách nhiệm của mình cho người khác.

#2. Biểu hiện của sống có trách nhiệm
  • Đối với học sinh: Cố gắng học tập, hoàn thành bài mà mình được giao, nghe lời ông bà, cha mẹ và thấy cô giáo, tuân thủ nội quy trường lớp, quy định của pháp luật, yêu thương gia đình và những người thân, có định hướng tương lai nghề nghiệp rõ ràng.
  • Đối với thanh niên, những người đã đi làm: Cố gắng hoàn thành công việc mà mình được giao, giúp đỡ bạn bè người thân, yêu thương gia đình, sống tuân thủ theo hiến pháp và pháp luật, có lòng yêu nước nồng nàn, không làm hại đến lợi ích của người khác.
  • Đặc biệt đối với những người làm công chức nhà nước, công an, bộ đội họ càng phải sống và làm đúng nhiệm vụ của Đảng và nhà nước giao cho, không được tư lợi cho bản thân, lợi dụng chức quyền làm việc sai trái vì họ là thành phần quan trọng của đất nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ sự an nguy của tổ quốc.
  • Bên cạnh đó còn có những người sống vô tâm, chỉ biết đến lợi ích của bản thân, làm những việc sai trái mà không quan tâm hậu quả về sau, không có lí tưởng sống,… những thành phần như vậy nên bị phê phán thẳng thắn.
#3. Ý nghĩa
  • Hoàn thành tốt công việc được giao
  • Đạt được nhiều thành tựu, dễ dàng thăng tiến trong cuộc sống
  • Cuộc sống của con người sẽ tốt đẹp hơn, con người sẽ ngày càng hoàn thiện hơn
  • Tạo ra một xã hội văn minh hơn
  • Phạm sai lầm thì phải nhận sai và sửa chữa sai lầm, vấp ngã ở đâu thì đứng lên ở đó, có như vậy con người mới có thêm nhiều kinh nghiệm để đương đầu với nhiều khó khăn thử thách.
#4. Bài học bản thân
  • Cố gắng học tập tốt, hoàn thành bài tập được giao
  • Yêu thương giúp đỡ người thân bạn bè
  • Có định hướng về tương lai rõ ràng và cố gắng đạt được nó
  • Biết nhận lỗi và sửa lỗi khi phạm sai lầm

Kết bài

  • Sống có trách nhiệm là lối sống tốt đẹp, truyền thống quý báu của dân tộc ta.
  • Mọi người cần phải rèn luyện và phát huy truyền thống đó.

Dàn ý nghị luận về tinh thần trách nhiệm – Mẫu 3

Mở bài

  • Giới thiệu vấn đề cần nghị luận, dẫn dắt sống có trách nhiệm và tinh thần trách nhiệm.

Thân bài

#1. Giải thích
  • Sống có trách nhiệm là làm tròn nghĩa vụ, bổn phận với xã hội, trường lớp, gia đình và bản thân.
  • Dám làm, dám chịu trách nhiệm về những hành động của bản thân.
  • Hành xử đúng đắn, biết phân biệt phải trái, đối nhân xử thế.
  • Biết giữ lời hứa.
  • Tích cực, tự giác, chủ động với nhiệm vụ được giao.
#2. Biểu hiện
Trách nhiệm với bản thân
  • Có mục đích, ước mơ hoài bão, cố gắng theo đuổi đến cùng.
  • Đón nhận những điều tốt đẹp, tránh những điều không tốt cám dỗ, thói hư tật xấu, tệ nạn.
  • Đối diện với khó khăn, vấp ngã, không trốn tránh, tìm cách giải quyết.
  • Có nguyên tắc sống, định hướng kế hoạch cụ thể.
  • Trong công việc hoàn thành tốt thời hạn, biết sửa chữa thừa nhận lỗi lầm, dám làm dám thực hiện.
  • Được mọi người yêu quý tin tưởng.
Trách nhiệm với nhà trường, gia đình
  • Trách nhiệm giáo dục và đào tạo con em của ba mẹ, thầy cô, người lớn.
  • Con cái biết báo hiếu, giúp đỡ, phụng dưỡng,làm vui lòng báo đáp công ơn sinh thành nuôi dưỡng của ba mẹ.
  • Học sinh, sinh viên có mục tiêu học tập và định hướng nghề nghiệp, đền ơn đáp nghĩa sự dạy dỗ của thầy cô, là một con ngoan trò giỏi, công dân tốt.
Trách nhiệm với xã hội
  • Cống hiến sức lực, trí tuệ, làm ra nhiều của cải vật chất.
  • Tích cực tự giác thực hiện nghĩa vụ bổn phận của mình.
  • Không coi trọng vật chất danh lợi, hy sinh lợi ích của bản thân.
  • Có những hành động cụ thể: Bảo vệ môi trường, không xả rác, tuân thủ luật giao thông, hạn chế rác thải, giữ gìn hành tinh xanh sạch đẹp, bảo vệ loài vật. Hạn chế khắc phục các vấn đề:Ô nhiễm môi trường,…
  • Cùng góp sức đẩy lùi dịch bệnh Covid với các y bác sĩ: đeo khẩu trang, không tập trung đông người, ở nhà tự cách ly phòng chống dịch,…
Vai trò, ý nghĩa của sống có trách nhiệm
  • Là động lực vượt qua khó khăn, gian nan, nâng cao kỹ năng sống.
  • Hoàn thành tốt các công việc và nhiệm vụ được giao.
  • Giúp hoàn thiện bản thân tốt đẹp hơn.
  • Được mọi người yêu quý, kính trọng và giúp đỡ khi gặp khó khăn.
  • Có được lòng tin của mọi người.
  • Thuận lợi trong cuộc sống và công việc.
  • Góp phần phát triển và giữ gìn đất nước.
#3. Bình luận

Phê phán, tránh xa lối sống ích kỉ, vô tâm, vô trách nhiệm với cuộc sống và bổn phận của mình, gây thất thoát lãng phí ảnh hưởng xấu đến xã hội.

#4. Bài học cá nhân về sống có trách nhiệm
  • Rèn luyện phát huy điểm mạnh, loại bỏ điểm xấu và thói quen vô trách nhiệm.
  • Xem trọng thời gian, lập kế hoạch, sống kỉ luật.
  • Không trì hoãn, biết thu nhận ý kiến của người khác và thừa nhận sai lầm, sửa chữa, cống hiến cho cộng đồng.

Kết bài

  • Khẳng định lại giá trị, ý nghĩa sống có trách nhiệm.
  • Bài học nhận thức cho mọi người.

Nghị luận về sống có trách nhiệm

Nghị luận về sống có trách nhiệm – Mẫu 1

Từ xưa đến nay, con người vẫn được xem là tế bào của xã hội. Đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước. Sống có trách nhiệm được xem là thước đo đạo đức, phẩm chất nhân cách của mỗi người. Mỗi cá nhân và có ý thức và trách nhiệm và phát huy nếp sống lành mạnh, tinh thần tự giác, có trách nhiệm trong cuộc sống. Để xã hội phát triển ổn định về mọi mặt văn hóa và kinh tế, mỗi cá nhân cần ý thức, tự giác nghiêm túc thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước, nêu cao tinh thần và thực hiện nếp sống có trách nhiệm với bản thân, trong tập thể và cộng đồng.

Thế nào là sống có trách nhiệm? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu rõ khái niệm về lối sống tốt đẹp này. Sống có trách nhiệm là biết hành xử đúng đắn, biết phân biệt phải trái, biết đối nhân xử thế, giữ lời hứa, dám làm dám chịu hậu quả. Tích cực và tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, chủ động làm những việc cần làm, không né tránh hay thờ ơ hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.

Sống có trách nhiệm là làm tròn nghĩa vụ, bổn phận của mình đối với xã hội, trường lớp, gia đình và chính bản thân mình, dám làm dám chịu trách nhiệm về những hành động của bản thân ví dụ làm sai việc gì đó, hoặc có lỗi với người khác không sợ bị chê trách mà dám đứng ra nhận lỗi để sửa sai lỗi lầm và góp phần hoàn thiện bản thân mình hơn.

Tại sao chúng ta sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội? Chúng ta có rất nhiều mối quan hệ, đó là quan hệ với cha mẹ, những người đã sinh ra ta và nuôi dưỡng dạy dỗ ta nên người, thầy cô chính là những người truyền đạt kiến thức để trang bị cho ta vốn tri thức sâu rộng để có thể vững tin trên con đường học tập, hướng tới một cuộc sống, một tương lai tốt đẹp sau này, nhiều hơn nữa là sẽ gặt hái nhiều thành công. Mọi người đều nhìn chúng ta với biết bao niềm tin yêu và hy vọng. Tin tưởng ở sự vươn lên tiến bộ hàng giờ hàng ngày, ước vọng thành đạt, sẽ gặt hái nhiều kết quả. Tin tưởng cùng dõi theo những bước chân trên con đường hoàn thành ước mơ, khát vọng trong cuộc sống. Chính vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm với những mối quan hệ đó, gìn giữ và bảo vệ. Đừng bao giờ tự tay phá bỏ, tự hủy hoại những mối quan hệ tốt đẹp chỉ vì sự thiếu trách nhiệm, tắc trách của bản thân. Gia đình là nền tảng xây dựng lên nhân cách của mỗi con người, một đứa trẻ sinh ra và lớn lên theo chiều hướng xấu hay tốt một phần là do ảnh hưởng của gia đình. Vì thế nên đối với gia đình, chúng ta phải rèn luyện cho mình thật sự ngoan ngoãn, lễ phép và yêu quý các thành viên khác.  Đúng như câu “Kính trên nhường dưới” là tiêu chuẩn đặc biệt cần chú trọng trong quan hệ tình cảm gia đình.

Sống có trách nhiệm được xem là chuẩn mực đạo đức, để đánh giá nhân cách, phẩm chất của mỗi người. Không những thế sống có trách nhiệm được xem là một lối sống đẹp, phẩm chất đáng quý, rất cần thiết ở mỗi người đặc biệt là thế hệ trẻ những chủ nhân tương lai của đất nước. Sống có trách nhiệm là hành động khẳng định giá trị bản thân, là dấu hiệu cơ bản, quan trọng của việc hòa nhập với cộng đồng và giúp cho xã hội trở nên tốt đẹp, đất nước phát triển giàu mạnh, tiến bộ hơn.  Đây là một trong những đặc tính quan trọng của người thành công. “Khi nói là làm, dám chịu trách nhiệm về những gì bản thân thực hiện thì không chỉ lấy được lòng tin từ người khác mà còn nâng cao giá trị bản thân. Chính điều đó sẽ khiến dễ thành công, giàu có, có được nhiều mối quan hệ chất lượng hơn.

Biểu hiện của lối sống có trách nhiệm hiện nay rất đa dạng và phong phú. Bởi lẽ xuất phát từ những việc đơn giản, nhỏ nhặt mà ta dễ dàng thấy được trong cuộc sống hàng ngày. Bác Hồ từng nói rằng trẻ nhỏ làm việc nhỏ, như vậy sống có trách nhiệm cũng xuất phát từ chính những điều bình dị, nhỏ nhặt đời thường như vậy các bạn ạ. Khi là những đứa con ngoan của gia đình, là những học sinh gương mẫu của nhà trường, là một công dân tốt của xã hội thì song song đó ta phải ý thức được trách nhiệm hành động của mình sao cho đúng với sự mong đợi và kỳ vọng của gia đình và xã hội đối với mình. Mỗi người luôn không ngừng cố gắng, rèn luyện hoàn thiện bản thân mình trước khi muốn người khác đối tốt với mình, cũng giống như sống có trách nhiệm với chính mình trước thì ta mới có thể có trách nhiệm với gia đình và xã hội được. Khi còn là học sinh dưới sự giảng dạy, quản lý của nhà trường thì bản thân các bạn học sinh phải chăm chỉ học tập, rèn luyện,tu dưỡng đạo đức, không ngừng nâng cao tri thức, trau dồi kiến thức chuyên môn và văn hóa. Luôn tạo thói quen tự chủ, tự giác trong học tập, không đợi thầy cô nhắc nhở nhiều về vấn đề hoàn thành bài tập về nhà trước khi đến lớp, hoặc không gian lận trong thi cử, sao chép bài của bạn.  Học sinh cần có tinh thần hòa nhập bạn bè, cùng nhau tiến bộ và tự mình phải vạch ra lộ trình học tập cụ thế, định hướng nghề nghiệp rõ ràng, đó là tinh thần trách nhiệm với bản thân.

Bên cạnh đối với công chức nhà nước thì tình thần trách nhiệm lại thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Công chức Thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm với đảng và nhà nước giao, không được né tránh, hay trốn tránh công việc chẳng hạn như việc có tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ đất nước khi nước nhà lâm nguy,…Ngoài ra không được lạm dụng chức quyền trong nhà nước mà làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, không vì tư lợi cá nhân mà làm gây hại đến những người xung quanh. 

Mỗi công dân có trách nhiệm với những việc mình làm và những lời mình nói ra và những hành động mình làm.Nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật của nhà nước. Luôn sống trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Biết cảm thông, sẻ chia, giúp đỡ mọi người, biết sống yêu thương mọi người. Tinh thần tự giác trong hoạt động tập thể, không đùn đẩy trách nhiệm, chỉ biết sống cho riêng mình. Biết yêu thương bản thân, tích cực tập thể dục thể thao, tạo cho mình thói quen, nếp sống lành mạnh để có thể học tập tốt, tinh thần thoải mái, sống tích cực. Biết nhận sai, sửa lỗi không trốn tránh trách nhiệm. Sống có trách nhiệm với ba mẹ, anh chị em, có trách nhiệm lời ăn tiếng nói hằng ngày.

Với công việc chúng ta đừng làm qua loa, đừng làm chỉ để làm mà hãy làm thật tốt những gì người khác giao cho bạn. Đừng nghĩ mình phải bỏ ra quá nhiều mồ hôi công sức mà hãy nhớ rằng những gì mình bỏ ra chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Chúng ta hãy nhớ rằng, bất cứ công việc gì cũng cần phải có trách nhiệm mới làm tốt và hiệu quả được. Hãy thử nghĩ, một tập thể mà ai cũng thiếu trách nhiệm với công việc thì công việc sẽ ra sao, tập thể đó sẽ ra sao? Chính vì vậy hãy sống có trách nhiệm không riêng bản thân mình mà là trách nhiệm với tập thể các bạn nhé!

Lời nói có sức mạnh cực kỳ to lớn, ta dễ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hay ngược lại là sự buồn bực thất vọng về một lời nói của một ai đó, làm ta khó có thể quên được. Vậy nên nếu khi nói chuyện với một người nào đó, bạn không chú ý về ý nghĩa của những lời mình nói chắc chắn sẽ có ngày bạn phải dằn dặt, áy náy với những lời nói phán xét của mình về người khác. Người xưa nói “ uốn lưỡi bảy lần rồi hãy nói”, đó là khuyên chúng ta nên cân nhắc lựa chọn từ ngữ cho phù hợp trước khi nói, trước khi đưa ra nhận xét, phán xét chủ quan của mình về một vấn đề, hoặc về một người nào đó để không làm tổn thương nhau. Nếu chúng ta không tự chịu trách nhiệm cho những lời mình nói, thích gì nói nấy thì những người xung quanh sẽ chẳng bao giờ xem trọng lời nói của bạn đâu. Chính vì thế, trước khi nói, Chúng ta hãy học cách chịu trách nhiệm lời nói của mình, những gì ta nói ra hãy ghi nhớ chúng để tự vấn lại chính mình.

Sống có trách nhiệm còn được thể hiện qua những hành động rất nhỏ trong đời sống, những thói quen hằng ngày mà chúng ta dần như quên đi vì nó quá quen thuộc. Ví dụ như việc đúng giờ, đúng hẹn cũng là sống có trách nhiệm. Đó là trách nhiệm với công việc của bản thân, trách nhiệm với uy tín và có trách nhiệm với người khác. Chỉ cần cúi xuống nhặt một cọng rác vứt bừa bãi là ta đã chung tay góp phần tạo nên một con người có trách nhiệm bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp, tạo môi trường sống thêm trong lành, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nơi công cộng tạo nếp sống văn minh cho chính mình, lan tỏa ra toàn xã hội. Sống có trách nhiệm là yếu tố không thể thiếu để tạo nên thành công trong công việc và cuộc sống. Tinh thần trách nhiệm ở mỗi người góp phần tạo dựng một xã hội văn minh, đất nước giàu mạnh, tiến bộ hơn. Những ai có tinh thần trách nhiệm cao trong cuộc sống sẽ luôn nhận được sự yêu thương, kính trọng và được mọi người yêu quý. 

Bên cạnh sự tồn tại những biểu hiện những dẫn chứng hành động cụ thể về nếp sống lành mạnh, tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội thì song song đó tồn tại những người có biểu hiện sự thiếu trách nhiệm về mọi mặt. Họ không có trách nhiệm với chính bản thân mình khi ăn chơi lêu lỏng, sống buông thả, không có mục tiêu, không có hoài bão ước mơ, sống thụ động phụ thuộc vào gia đình mà không muốn trưởng thành, thích dựa dẫm vào người khác. Nhiều bạn trẻ có quan niệm sống thoáng là sống thiếu trách nhiệm. Một bộ phận giới trẻ không ý thức được lối sống lành mạnh quan trọng như thế nào. Điều đó chứng tỏ họ thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm với chính tương lai của mình. Nhiều bạn có sống vô kỷ luật, thiếu trách nhiệm đối với bản thân và xã hội, bạn sẽ nhận lấy những hậu quả rất đau lòng. Có rất nhiều bạn vì không có trách nhiệm với hành vi của bản thân mình mà gây ra nhiều mất mát, nỗi đau cho người khác. Hiện nay hiện tượng nạo phá thai ở giới trẻ diễn ra rất phổ biến. Tại sao vậy? Lý do nào khiến cho hiện tượng này ngày càng gia tăng như vậy. Là vì bản thân người đó không có trách nhiệm, do thói quen sống buông thả, ăn chơi đua đòi và có những hành động bồng bột, thiếu trách nhiệm với những gì mà mình làm ra, họ chối bỏ trách nhiệm bằng cách tàn nhẫn là bỏ đứa con trong bụng như thế này. Hỏi rằng vết thương đó còn hằn sâu đến bao giờ. Chính những suy nghĩ tiêu cực và hành động vô trách nhiệm làm nên gánh nặng cho gia đình và xã hội. Những người sống vô trách nhiệm sẽ đẩy lùi sự phát triển của xã hội, sự trì trệ trong nền kinh tế. Chính vì vậy, mỗi người cần phải giáo dục con người sống có trách nhiệm với bản thân, tập thể và xã hội. Đặc biệt là các bạn trẻ sẽ là những mầm non, chủ nhân tương lai của đất nước góp phần xây dựng đất nước văn minh giàu đẹp thì không ngừng nâng cao lối sống tích cực, nếp sống lành mạnh là sống có trách nhiệm. Như vậy chúng ta mới thấy được tầm quan trọng của lối sống có trách nhiệm. Nó sẽ giúp cho chúng ta ngày càng sống tốt đẹp, ngày càng hoàn thiện bản thân mình hơn. Chúng ta hãy sống có trách nhiệm với cuộc đời mình, hãy nhớ rằng chính bản thân là người sẽ đưa bạn tới nơi bạn mong muốn chứ không phải bất kì ai khác.

   Tóm lại, sống có trách nhiệm có tầm quan trọng và vô cùng cần thiết trong đời sống xã hội hiện đại ngày nay. Nó sẽ giúp cho chúng ta ngày càng sống tốt đẹp, ngày càng hoàn thiện phẩm chất đạo đức nhân cách của bản thân. Sống trách nhiệm là đóng vai trò đặc biệt quan trọng và không thể thiếu đối với thế hệ trẻ chủ nhân tương lai của đất nước. Chúng ta cần gìn giữ và phát huy nếp sống lành mạnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm để góp phần xây dựng quê hương, đất nước phát triển giàu mạnh.

Nguồn: VerbaLearn.com

Nghị luận về sống có trách nhiệm – Mẫu 2

Trong xã hội này, mỗi người sống đều mang trong mình những sứ mệnh riêng biệt. Hoàn thành sứ mệnh của bản thân, sống có ích cho xã hội cũng thể hiện được việc người đó sống có trách nhiệm. Sống có trách nhiệm là một hành động đẹp, một tính cách mà mỗi người cần có trong xã hội này.

Sống có trách nhiệm là làm tròn nghĩa vụ của bản thân đối với gia đình và xã hội, không đùn đẩy trách nhiệm của mình cho người khác.

Biểu hiện của sống có trách nhiệm rất đa dạng tùy thuộc vào mỗi lứa tuổi. Đối với học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em chưa thể làm được những việc lớn lao cho xã hội thì các em chỉ cần cố gắng học tập tốt, hoàn thành bài tập của mình, chăm chỉ học tập tốt, nghe lời của cha mẹ và thầy cô giáo. Trẻ em là tương lai của đất nước nên việc các em chăm chỉ học tập, rèn luyện sức khỏe, tu dưỡng đạo đức để sau này trở thành con người có ích cho xã hội đã là một hành động của sống có trách nhiệm. Bác Hồ đã từng nói: “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” vì vậy các em học tập tốt, tu dưỡng đạo đức tốt là đã góp phần sống có trách nhiệm với bản thân mình rồi. Bên cạnh đó, sống có trách nhiệm là sống có đạo đức, tuân thủ pháp luật, nội quy trường lớp, có định hướng tương lai nghề nghiệp rõ ràng.

Đối với những thanh niên, những người đã đi làm thì sống có trách nhiệm là luôn hoàn thành tốt công việc của mình mà không dựa dẫm vào người khác. Luôn hoàn thành công việc mà mình được giao vừa thể hiện mình là một người sống có trách nhiệm, vừa mang lại thành công trong công việc của mình. Những người sống có trách nhiệm luôn dễ được người khác yêu thích và muốn tuyển dụng vào làm. Sống có trách nhiệm không chỉ thể hiện với công việc mà còn là sống có trách nhiệm với gia đình và người thân. Giúp đỡ người thân bạn bè khi họ gặp chuyện, yêu thương gia đình của mình. Bên cạnh đó, sống có trách nhiệm với tổ quốc và dân tộc như có lòng yêu nước nồng nàn, sống theo đúng với hiến pháp và pháp luật. Không nên chỉ biết nghĩ cho mình mà làm hại đến lợi ích của người khác, làm những việc gây ảnh hưởng đến họ bằng bất cứ hình thức nào. Đặc biệt đối với những người làm công chức nhà nước, họ càng cần phải làm đúng nhiệm vụ Đảng và nhà nước giao cho, không được tư lợi cho bản thân, không lợi dụng chức quyền gây ra những hành vi sai trái. Những người làm trong những cơ quan công an nhà nước, bộ đội càng phải làm việc có trách nhiệm hơn vì họ là những thành phần bảo vệ nhân dân, bảo vệ sự an nguy của tổ quốc nên họ càng phải làm việc có trách nhiệm hơn, có trách nhiệm với nhân dân, có trách nhiệm với đất nước này.

Trong xã hội có rất nhiều người mà mỗi người có một biểu hiện riêng về sống có trách nhiệm. Nhưng bên cạnh đó còn có rất nhiều người có lối sống ích kỉ, vô trách nhiệm với cả bản thân, gia đình và xã hội. Họ chỉ đặt lợi ích của cá nhân mình lên trên hết mà bất chấp làm ảnh hưởng đến người khác. Hoặc là họ không cố gắng làm việc mà chỉ sống dựa dẫm vào người khác, sống mà không có lí tưởng sống. Đây là những thành phần khiến xã hội chậm phát triển mà mọi người không nên học tập mà cần thẳng thắn phê bình để họ trở nên sống có trách nhiệm hơn.

Sống có trách nhiệm mang lại nhiều ý nghĩa tốt đẹp cho bản thân và cả những người xung quanh, góp phần tạo nên một xã hội phát triển hơn. Một người luôn cố gắng hoàn thành công việc được giao một cách tốt nhất sẽ khiến cho người khác tin tưởng và quý trọng. Công việc của họ sẽ dễ dàng thăng tiến hơn, đạt được nhiều thành tựu bởi sự cố gắng đó và sẽ được người khác nể phục và tôn trọng hơn. Từ đó bản thân của con người sẽ ngày càng được hoàn thiện hơn, cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Những người hay giúp đỡ người khác chắc chắn sẽ nhận được sự giúp đỡ lại của người khác nữa vì trong xã hội này vẫn còn rất nhiều người sống đẹp. Sống có trách nhiệm góp phần tạo ra một xã hội văn minh, phát triển hơn, con người có đầy đủ điều kiện phát triển về cả công việc lẫn nhân cách của mình. Khi sống có trách nhiệm, chúng ta tạo ra được nhiều thành tựu hơn, thúc đẩy cuộc sống phát triển hơn, cuộc sống của con người đầy đủ và văn minh hơn. Mọi người sống có trách nhiệm thì cũng có nghĩa là phải biết chịu trách nhiệm với sai lầm mà mình gây ra, nhận lỗi và sửa lỗi cũng là một cách làm gương cho người khác tốt lên, tạo ra được nhiều bài học giúp cá nhân và xã hội phát triển hơn. Trong xã hội này không ai hoàn mỹ cả, việc làm sai thì nhận lỗi và sửa lỗi cũng như vấp ngã ở đâu thì đứng lên ở đó. Có như vậy con người mới có thêm kinh nghiệm để đương đầu với nhiều khó khăn thử thách hơn, con đường đến thành công sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đừng thấy thất bại mà nản chí không làm nữa, phải nghĩ đến tương lai của bản thân, có trách nhiệm với bản thân, có như vậy thì người khác mới khâm phục và ngưỡng mộ. 

Bản thân mỗi người cũng là một thành phần trong xã hội này cần phải rèn luyện lối sống có trách nhiệm như chăm chỉ học tập, hoàn thành những bài tập, nhiệm vụ được giao, biết yêu thương người thân và bạn bè của mình. Bên cạnh đó phải có những định hướng cho tương lai rõ ràng và chăm chỉ học tập làm việc cố gắng để đạt được những điều đó, khi phạm sai lầm cần nhìn nhận lỗi sai và sửa chữa. Có như vậy mỗi người sống trong xã hội này mới phát triển tốt và trở thành người có ích cho xã hội.

Sống có trách nhiệm là lối sống tốt đẹp, là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Mỗi người sống trong xã hội này nên rèn luyện và phát huy truyền thống tốt đẹp đó để xã hội trở nên văn minh phát triển hơn.

Nguồn: VerbaLearn.com

Nghị luận về sống có trách nhiệm – Mẫu 3

Xã hội ngày càng phát triển với sự bùng nổ của khoa học và công nghệ đã mang lại cho con người một cuộc sống no đủ hơn, tốt đẹp hơn. Đồng thời cũng đặt ra cho nhân loại những vấn đề khó khăn, thách thức mới như: Ô nhiễm môi trường và sự biến đổi khí hậu, cuộc tranh đua vũ khí hạt nhân, các con số báo động về sự bùng nổ dân số, hiểm họa từ những loại bệnh hiểm nghèo, dịch bệnh Covid,…Bạn đã có suy nghĩ, hành động gì trước những vấn đề nhức nhối này, chúng đã và đang ra sức kêu cứu ý thức trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Chưa bao giờ hai từ trách nhiệm lại được nhắc nhở nhiều như hiện nay, đó là những điều phải làm, phải gánh vác hoặc nhận lấy về mình đó là ý thức thực hiện tốt nghĩa vụ bổn phận, công việc của bản thân không ỷ lại dựa dẫm hay đùn đẩy cho ai khác, vượt lên mọi hoàn cảnh khó khăn để làm tốt mọi việc mà mình cần làm. Trách nhiệm còn là sự ràng buộc đối với những lời nói, hành vi của bản thân, bảo đảm thực hiện tích cực, đúng đắn phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội như giữ chữ tín, lời hứa, nếu vi phạm sai trái thì biết tự giác dám làm dám chịu hậu quả. Sống và làm việc có trách nhiệm là thước đo của sự trưởng thành, là yếu tố cần thiết làm nên thành công của mỗi người. Trách nhiệm là một khái niệm lớn bao quát, nó được chia nhỏ thành nhiều loại. Đầu tiên, là trách nhiệm đối với chính bản thân mình. “Bạn phải chịu trách nhiệm về tất cả con người hiện tại của mình tất cả mọi thứ bạn đang có và tất cả mọi thứ bạn sẽ trở thành”. Không ai có thể giúp bạn ngoại trừ chính bạn, cần có ý thức lo nghĩ cho tương lai bằng cách vun trồng, xây dựng những mục đích, ước mơ, hoài bão và ra sức nỗ lực không ngừng để thực hiện, hoàn thành chúng đến cùng. Bạn còn phải nhận lấy toàn bộ trách nhiệm cho chính cuộc đời mình, biết đón nhận tiếp thu những điều tốt đẹp đang đến và tránh xa những điều không tốt. Đó là những cám dỗ, thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội, những trở ngại khi vấp ngã thất bại đau đớn,…Thay vì luôn oán trách, tìm cách đổ lỗi: “Những điều tồi tệ luôn đến với tôi, tôi đã không làm được là vì người này sự kiện này” thì đừng mãi trốn tránh nữa, hãy tiến lên mạnh mẽ tìm cách kiểm soát,  khắc phục chúng. Vấp ngã thì tự mình đứng lên làm chủ lại cuộc chơi, sai thì sửa nhận trách nhiệm, không phàn nàn. Ngoài ra, hãy tự lên những kế hoạch, định hướng để tiến gần hơn với cánh cửa thành công, tự đặt ra những quy tắc sống riêng, nghiêm khắc với chính mình, không để người khác nhắc nhở hay làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Khi đó, bạn sẽ trở thành một đội trưởng, một huấn luyện viên, đạo diễn cho chính cuộc đời mình và bạn hoàn toàn có thể thiết kế nó theo ý bạn muốn. Les Brown đã từng nói một câu rất hay: “Hãy có trách nhiệm với cuộc đời của mình. Hãy nhớ rằng chính bạn là người sẽ đưa bạn tới nơi bạn muốn đến chứ không phải ai khác”. Đối với cá nhân, trách nhiệm là một trang bị thiết yếu cần phải có người sống có trách nhiệm luôn chủ động, tự trọng tự chủ trong mọi việc, hoàn thành đúng thời hạn được giao. Luôn tự tin phát triển bản thân dám ước mơ dám thực hiện, dám làm vì điều mình muốn và cho là đúng đắn không bao giờ lùi bước hay bỏ cuộc. Có thái độ lạc quan trong cuộc sống. Sẵn sàng nhận mọi trách nhiệm về những việc mình đã làm, biết sửa chữa và không đùn đẩy, thoái thác. Vì vậy, những người này luôn được mọi người yêu quý, tín nhiệm, xem trọng trong công việc và cuộc sống. Hầu hết những điều tốt đẹp trong đời người thường đến từ sự tin tưởng, mà gốc rễ của lòng tin lại đến từ tinh thần trách nhiệm. Mỗi người đều có những trách nhiệm của riêng mình, chỉ là chúng ta có nhận thức được những điều đó là gì hay không thôi. Với người lớn, thầy cô giáo, các bậc ông bà cha mẹ họ phải gánh vác trách nhiệm quan trọng trong việc giáo dục, đào tạo con em mình. Bởi vì, cái thế giới mà chúng ta để lại cho các thế hệ mai sau sẽ tùy thuộc vào những trẻ em mà chúng ta để lại cho thế giới ấy. Ngày còn bé, tôi luôn không hiểu tại sao ba mẹ lại có thể thức khuya dậy sớm như vậy. Sau này lớn lên mới biết, đánh thức họ không phải là tiếng chuông của chiếc đồng hồ báo thức mà chính là cuộc sống ngoài kia và tinh thần trách nhiệm. Sau những điểm số cao , kết quả tốt đẹp trong học tập tôi biết thấm thía hơn sự vất vả cống hiến của những người lái đò chỉ huy con thuyền tri thức của bao thế hệ học sinh đến với bến bờ của thành công. Lúc đó, tôi cũng đã xác định được trách nhiệm của bản thân với gia đình và trường học. Là học sinh, sinh viên những mầm non tương lai của đất nước thì phải cần cố gắng học tập rèn luyện thật tốt, phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi, làm vui lòng cha mẹ biết phụ giúp gia đình, không còn ham chơi, nhỏ làm việc nhỏ, lớn làm việc lớn, tùy theo sức của mình, biết sống đền đáp, phụng dưỡng, báo hiếu công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của gia đình. Trở thành một người công dân tốt, có ích, biết nhớ ơn và báo đáp công lao dạy dỗ của thầy cô, có mục đích học tập và định hướng nghề nghiệp cụ thể, rõ ràng, không thờ ơ ỷ lại, phó mặc cho người khác.

Ngoài việc tập sống – học tập – lao động có trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường và hơn hết mà còn đối với xã hội. Đó là khi bạn đem sức lực, trí tuệ, khả năng của mình cống hiến, xây dựng cho sự phát triển của cộng đồng, làm ra nhiều của cải vật chất, tích cực và tự giác với nhiệm vụ được giao, hoàn thành tốt bổn phận, vai trò của một công dân. Không màng danh lợi vật chất, không kể đền đáp ghi nhận, đôi khi còn phải hy sinh lợi ích của chính mình vì lợi ích chung, hy sinh cái tôi cá nhân vì cái ta chung. Thanh Hải đã từng thể hiện những ước nguyện chân thành, khát vọng muốn được hòa nhập, cống hiến, mong muốn góp một: “Mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc lặng lẽ dâng cho đời bằng những lời thơ đầy thiết tha, yêu mến gắn bó.

“Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào bài ca

Một nốt trầm xao xuyến”

Cuộc đời chúng ta cùng một nhịp thở với vận mệnh của xã hội. Những thế hệ như ta đã có tuổi thơ, tuổi trẻ trong hòa bình hạnh phúc không chiến tranh nhưng ta lại có thể đối mặt với những biến cố,thử thách to lớn như đã được đề cập ở phần mở đầu. Ngay từ những hoạt động nhỏ như bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, lên tiếng đấu tranh chống tiêu cực lãng phí, không sử dụng túi nilon, hạn chế rác thải nhựa, tham gia các phương tiện giao thông công cộng để giữ gìn một trái đất xanh sạch đẹp, yêu thương loài vật,…chúng ta cũng đã góp phần thực hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội. Đặc biệt là khi dịch bệnh Covid 19 đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe toàn nhân loại thì tinh thần trách nhiệm của mỗi người lại phải được nâng cao. Trong khi những người hùng dân tộc đang chiến đấu ở đầu chiến tuyến, hy sinh những bữa cơm gia đình của mình để giữ hơi ấm bữa cơm gia đình cho những con người khác, tận tụy, âm thầm góp sức mình bảo vệ cho mọi người từng nhịp thở an toàn thì chúng ta cũng cần có ý thức thực hiện nghiêm túc những quy tắc phòng chống dịch, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, khai báo y tế,… “Chúng tôi đi làm vì bạn, bạn ở nhà vì  chúng tôi” Đây là lời kêu gọi, nhắc nhở về trách nhiệm trách nhiệm của người chiến sỹ áo trắng cũng như mọi người với cộng đồng. Tinh thần trách nhiệm sẽ tạo ra động lực giúp con người vượt qua mọi chông gai sóng gió, thúc đẩy ta biết nỗ lực và hoàn thiện bản thân, nâng cao kỹ năng sống, “Chỉ khi biết chấp nhận trách nhiệm cho hành động của mình, ta mới có thể bắt đầu trưởng thành”. Tạo dựng được sự tin tưởng yêu mến, tiến xa hơn trong công việc và dễ dàng thành công trong cuộc sống. Mỗi người không sống ích kỉ, hẹp hòi, thực hiện tốt trách nhiệm của bản thân sẽ góp phần tạo dựng một cộng đồng tốt đẹp, một đất nước phát triển giàu đẹp, ổn định. Mặt khác, vẫn còn có những người sống vô trách nhiệm, vô tâm, cẩu thả, không quan tâm, thờ ơ với công việc, bổn phận của mình. Thói vô trách nhiệm ấy giống như một thứ axit vô hình có thể ăn mòn, làm chậm sự tiến bộ của xã hội, gây ra những thất thoát, lãng phí không đáng có ta cần phải phê phán và tránh xa những lối sống tiêu cực này. “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không? Đất nước Việt Nam có bước tới đài vinh quang hay không một phần là nhờ công học tập của các em” Bác Hồ kính yêu đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc, kỳ vọng lớn lao vào những thế hệ trẻ tương lai của Việt Nam nhất là khi con người đang bước vào thế kỉ mới, thế kỉ của sự hội nhập và phát triển, muốn “ sánh vai cùng các cường quốc năm châu” thì chúng ta không nên xem những trách nhiệm của mình là gánh nặng hay sự ràng buộc, mà phải tìm cách lấp đầy hành trang của mình bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu và chủ nghĩa cá nhân ích kỉ, biết xây dựng rèn luyện ý thức sống có trách nhiệm bằng những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất, tự nhận thức được những việc mình nên làm, dám làm và dám chịu. Biết coi trọng thời gian, lập kế hoạch cho mọi thứ, không than thở viện cớ đổ lỗi và luôn tôn trọng sự cố gắng của người khác, học cách sống kỷ luật, tránh trì hoãn, biết thu nhận những phê bình của mọi người và dũng cảm thừa nhận sai trái đề hoàn thiện bản thân mình hơn, ra sức cống hiến cho cộng đồng xã hội.

Sống là thực hiện một cuộc hành trình thú vị và bạn phải biết chịu trách nhiệm cho chất lượng của nó bằng cách chọn cho mình một thứ gia vị đúng đắn. Thứ gia vị đó không phải là những giá trị chân thiện mỹ mà con người phải dành cả đời theo đuổi cũng không phải là nhân lễ nghĩa trí tín mà ai cũng phải học hỏi. Thứ gia vị này sẽ giúp cho cuộc sống ấy của bạn tăng nhiều phần ý nghĩa, giúp phát triển và hoàn thiện bản thân hơn. Đó chính là trách nhiệm.

Nguồn: VerbaLearn.com

Hiếu Trung

Là một cử nhân tài chính nhưng lại đam mê viết lách, năm 2019 tôi thành lập website VerbaLearn để phân tích các kiến thức về tài chính, marketing và các phương pháp kiếm tiền online. Mong những kinh nghiệm từ bản thân tôi sẽ giúp đỡ bạn trên hành trình tự do tài chính.