Nghị luận về đức khiêm tốn – Dàn ý & văn mẫu chọn lọc chi tiết Update 09/2024

Tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về đức khiêm tốn. Giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo.

Dàn ý nghị luận về đức khiêm tốn

Tổng hợp các dàn ý chi tiết và tổng hợp cho đề bài nghị luận về đức khiêm tốn. Việc lập dàn ý sẽ giúp cho bài viết logic hơn, tránh được tình trạng thiếu ý, lặp ý hoặc sai đề. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình viết văn nghị luận xã hội nói riêng và các thể loại văn học khác nói chung.

Dàn bài nghị luận về đức khiêm tốn – Mẫu 1

Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận đức tính khiêm tốn. 

  • Khiêm tốn là một trong số những đức tính vô cùng đáng quý cần được phát huy của mỗi con người. Nó sẽ giúp cho bạn thành công một cách vững chắc nhất trong cuộc sống. 
  •  Đức tính khiêm tốn được xem là một tiêu chuẩn đạo đức chung là thước đo đánh giá nhân cách của mỗi người, định hướng được áp dụng rộng rãi trong quá trình giáo dục từ gia đình đến nhà trường để góp phần tạo nên một đất nước văn minh, tiến bộ.

Thân bài

#1. Giải thích khái niệm về đức tính khiêm tốn
  • Khiêm tốn là không quá đề cao mình, tự cao, tự đại, mà phải khiêm tốn.
  • Đánh giá đúng mực về bản thân, tứ tốn, không khoe hoang thành công mà không ngừng học hỏi từ những người xung quanh.
#2. Biểu hiện lòng khiêm tốn
  • Trong giao tiếp, ứng xử sự khiêm tốn thể hiện ở sự giản dị ở lời ăn tiếng nói, đơn giản, dễ hiểu, không khoe khoang, tự đề cao bản thân, tự cho mình là giỏi giang.
  • Không quá tự tin vào bản thân mà biết kính trên nhường dưới, biết lắng nghe, tiếp nhận sự góp ý để hoàn thiện bản thân.
#3. Ý nghĩa của sự khiêm tốn
  • Khiêm tốn là một đức tính vô cùng tốt đẹp, những ý nghĩa của đức tính khiêm tốn chúng ta cần phải noi theo
  • Trong công việc không khoe khoang cố chấp, dành tất cả tâm huyết, đam mê, quyết tâm theo đuổi mục tiêu đến cùng, khi đó chúng ta sẽ nhận được thành công.
  • Biết ơn sự giúp đỡ của mọi người với lòng thành kính xuất phát từ trái tim lương thiện, ấm áp tình người, khi đó bạn sẽ nhận lại được sự yêu thương, kính trọng từ mọi người xung quanh.
  • Biết tôn trọng, ngưỡng mộ những người giỏi hơn mình và lấy đó làm động lực để cố gắng, phát triển bản thân. Chúng ta biết học hỏi và nhường nhịn giúp đỡ người yếu thế hơn mình mà không được khinh thường, miệt thị họ. Thay vào đó là biết chia sẻ kiến thức, giúp đỡ họ. Chăm chỉ, luôn tìm tòi, học hỏi thêm những kiến thức mới, có sự cầu tiến, cầu thị về sự hiểu biết, không tỏ vẻ là mình người uyên thâm tất cả mà biết khiêm nhường, luôn muốn tiếp thu những cái mới từ người khác thì khi đó bạn sẽ nhận được sự yêu mến và giúp đỡ từ mọi người
  • Hoàn thành mục tiêu công việc, vì đó là thước đo giá trị của bản thân mình, không vì sự thỏa mãn, vì sự thể hiện hay vì lợi ích cá nhân. Khi đó sẽ nhận được sự giúp đỡ chân thành của mọi người, được người quý mến và tôn trọng.
#4. Bình luận, dẫn chứng và phản đề.
  • Bình luận về đức tính khiêm tốn và đan xen là nêu ra các dẫn chứng về đức tính khiêm tốn của nhà bác học vĩ đại Einstein, chủ tịch Hồ Chí Minh
  • Phản đề: Một số người biểu hiện tính cách đi ngược lại với sự khiêm tốn.
  • Họ tỏ vẻ kiêu căng ngạo mạn khi đạt thành công, tự cao, cho mình là chân lý, cho mình là giỏi nhất, và khinh thường người khác, luôn thích thể hiện mình, quá đề cao khả năng của bản thân
  • Những người có đức tính đó thường bị mọi người xa lánh, thiếu tôn trọng, chúng ta cần bài trừ, phê phán những đức tính không tốt.
  • Các bạn có thể thêm câu tục ngữ nói về đức tính này để làm dẫn chứng thêm sinh động. Ví dụ: Ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung.
#5. Bài học nhận thức
  • Mỗi chúng ta thực hiện đức tính khiêm tốn từ những công việc hành động nhỏ nhất diễn ra hằng ngày.
  • Học tập đức tính nhã nhặn, hòa nhã, không kiêu ngạo, hóng hách.

Kết bài

  • Khẳng định vai trò của tính khiêm tốn trong sự hình thành nhân cách đạo đức của mỗi người.

Dàn bài nghị luận về đức khiêm tốn – Mẫu 2

Mở bài

  • Trong cuộc sống hiện đại như ngày nay ta có thể thấy con người cần phải học hỏi rất nhiều thứ như kĩ năng sống, học cách kiên trì nhẫn nại, sự quả quyết, có tấm lòng bao dung,….Trong những thứ đó không thể không nhắc đến đức tính khiêm tốn.
  • Bác Hồ cũng từng dặn trong 5 điều Bác Hồ dạy “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” và đó là lý do đức tính này rất cần được truyền dạy cho các thế hệ con em chúng ta

Thân bài

#1. Giải thích
  • Khiêm tốn là đức tính tốt đẹp của con người
  • Được biểu hiện thông qua thái độ tự đánh giá bản thân
  • Không đề cao mình một cách thoái hóa, luôn học hỏi thêm và biết kính trên nhường dưới.
#2. Biểu hiện
  • Biểu hiện của người khiêm tốn là nói chuyện nhẹ nhàng, đồng cảm, gần gũi, luôn biết mình biết ta, không so đo, không nói quá về những gì mình đang có 
  • Biểu hiện của người không khiêm tốn là hay khoe khoang, kiêu ngạo, thể hiện ta đây giàu có
  • Lấy ví dụ về tỷ phú Mark Zuckerberg và Bác Hồ. Họ đều là những người thành công và giàu có nhưng cuộc sống của họ rất giản dị, không cầu kì, khoe mẻ
  • Sự khiêm tốn được thể hiện thông qua những hành động và lời nói. Muốn biết người đó có đức tính khiêm tốn hay không, chỉ cần bạn để ý những lời nói và hành động của người đó là bạn sẽ nhận ra ngay. 
  • Sự khiêm tốn luôn được đề cao trong xã hội, vì vậy nó cần được rèn luyện thường xuyên, rèn luyện ở bất kỳ hoàn cảnh nào. 
  • Bạn có thể rèn luyện khiêm tốn dựa trên những đức tính khác như sự bao dung, lòng biết ơn, sự kiên trì,… 
  • Học cách lắng nghe những lời khuyên, sự góp ý của người khác. Hãy thay đổi để bản thân phát triển hơn và hãy khiêm tốn đón nhận sự giúp đỡ của mọi người  
  • Chúng ta cần khiêm tốn đúng mực, không thái quá. Nên biết dung hòa đức tính này ở mọi hoàn cảnh khác nhau để luôn có được sự tự tin nhất
#3. Ý nghĩa
  • Khiêm tốn còn giúp chúng ta biết cách trân trọng cuộc sống này hơn.
  • Khiêm tốn luôn mang đến những cơ hội để chúng ta phát triển.

Kết bài

  • Khiêm tốn giúp gắn kết con người lại với nhau 
  • Giúp chúng ta hoàn thiện bản thân mình

Dàn bài nghị luận về đức khiêm tốn – Mẫu 3

Mở bài

  • Giới thiệu vấn đề về đức tính khiêm tốn.

Thân bài

#1. Giải thích
  • Khiêm tốn là đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam chúng ta đã lưu truyền lại biết bao đời nay
  • Khiêm tốn được thể hiện qua lời nói, cử chỉ, hành động của người có đức tính khiêm tốn này đối với mọi người xung quanh.
#2. Biểu hiện
  • Thái độ nhã nhặn, có ý thức đúng mực khi đánh giá mình.
  • Không tự mãn tự kiêu, lịch sự đề cao người khác.
  • Không ngừng học hỏi thêm, thấy mình còn thiếu sót.
  • Tôn trọng bản thân và mọi người, không ganh đua, thiệt hơn.
  • Nói chuyện nhỏ nhẹ, giản dị, biết lắng nghe tiếp thu.
  • Không khinh thường hay tổn thương người khác.
  • Sống chân thật, không lừa dối, can đảm, thân thiện.
  • Chấp nhận phê bình, sửa đổi.
  • Dẫn chứng:  Albert Einstein, Âu Dương Tu,…
#3. Ý nghĩa khiêm tốn
  • Giúp mình học hỏi được nhiều điều tốt đẹp ở mọi người, giỏi hơn từng ngày.
  • Tránh xa những thói kiêu căng tự phụ, không ảo tưởng.
  • Biết giảm cái tôi, sống chân thật, thắng không kiêu bại không nản.
  • Hoàn thiện bản thân, được yêu quý, xem trọng.
  • Xã hội tốt đẹp, phát triển đi lên.
#4. Bình luận
  • Lên án những người hay khoe mẽ, nâng cao bản thân.
  • Tự mãn, kiêu ngạo, khinh thường, xem nhẹ người khác.
#5. Bài học cá nhân về đức tính khiêm tốn
  • Ra sức nâng cao vốn hiểu biết, hạ cái tôi của bản thân.
  • Khiêm tốn một cách khôn ngoan, không phải là tự ti rụt rè.
  • Hạn chế phê phán, chế giễu người khác, không ganh đua thiệt hơn.
  • Nuôi dưỡng lòng biết ơn, noi gương theo những người có đức tính khiêm tốn.
  • Công nhận, đề cao, khen ngợi thành tựu, ưu điểm của người khác.

Kết bài

  • Khẳng định lại tầm quan trọng, ý nghĩa.
  • Kêu gọi mọi người rèn luyện cách khiêm tốn.

Bài văn nghị luận về đức tính khiêm tốn

Nghị luận về đức tính nghiêm tốn – Mẫu 1

Khiêm tốn là một trong số những đức tính vô cùng đáng quý cần phát huy của mỗi con người. Nó sẽ giúp cho bạn thành công một cách vững chắc nhất trong cuộc sống. Đức tính khiêm tốn được xem là một tiêu chuẩn đạo đức chung là thước đo đánh giá nhân cách của mỗi người, định hướng được áp dụng rộng rãi trong quá trình giáo dục từ gia đình đến nhà trường để góp phần tạo nên một đất nước văn minh, tiến bộ.

Trong cuộc sống con người cần có những đức tính tốt đẹp và cần phát huy những đức tính đó. Một trong những đức tính mà con người cần có và không ngừng duy trì đó là sự khiêm tốn. Vậy khiêm tốn là gì? Tại sao chúng ta hay đề cao đức tính này và ý nghĩa của đức tính khiêm tốn có ý nghĩa như thế nào trong xã hội ngày nay.

Khiêm tốn là sự ý thức về một thái độ được thể hiện đúng mực trong việc đưa ra đánh giá bản thân và những vấn đề mà bản thân có, không quá đề cao bản thân, không có thái độ kiêu ngạo, hóng hách, ra vẻ ta đây mà phải biết khiêm nhường, tứ tốn.  Người có lòng khiêm tốn không bao giờ quá tự hào, quá đề cao về sự thành công của mình mà luôn xem nó là điều hết sức bình thường, nhỏ bé, không đáng kể và không ngừng học hỏi thêm những điều mới, điều hay từ những người xung quanh.

Đức tính khiêm tốn là đức tính tốt đẹp của con người, thể hiện qua lời nói, những cử chỉ và hành động hằng ngày đối với mọi người xung quanh. Khiêm tốn giúp con người sống tích cực, luôn phát huy khả năng của bản thân, sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm, kiến thức mới từ người khác. Trong giao tiếp, ứng xử sự khiêm tốn thể hiện ở sự giản dị ở lời ăn tiếng nói, đơn giản, dễ hiểu, không khoe khoang, tự đề cao bản thân, tự cho mình là giỏi giang.  Không quá tự tin vào bản thân mà biết kính trên nhường dưới, biết lắng nghe, tiếp nhận sự góp ý để hoàn thiện bản thân. 

Đức tính khiêm tốn mang lại những giá trị tinh thần, là thước đo nhân cách đạo đức của mỗi người. Chúng ta cùng tìm hiểu những ý nghĩa mà nó mang lại. Trong công việc không khoe khoang cố chấp, dành tất cả tâm huyết, đam mê, ý chí quyết tâm theo đuổi mục tiêu đến cùng, khi đó chúng ta sẽ nhận được thành công. Biết ơn sự giúp đỡ của mọi người với lòng thành kính xuất phát từ trái tim lương thiện, ấm áp tình người, khi đó bạn sẽ nhận lại được sự yêu thương, kính trọng từ mọi người xung quanh. Biết tôn trọng, ngưỡng mộ những người giỏi hơn mình và lấy đó làm động lực để cố gắng, phát triển bản thân. Chúng ta biết học hỏi và nhường nhịn giúp đỡ người yếu thế hơn mình mà không được khinh thường, miệt thị họ. Thay vào đó là biết chia sẻ kiến thức, giúp đỡ họ. Chăm chỉ, luôn tìm tòi, học hỏi thêm những kiến thức mới, có sự cầu tiến, cầu thị về sự hiểu biết, không tỏ vẻ là mình người uyên thâm tất cả mà biết khiêm nhường, luôn muốn tiếp thu những cái mới từ người khác thì khi đó bạn sẽ nhận được sự yêu mến và giúp đỡ từ mọi người. Hoàn thành mục tiêu công việc, vì đó là thước đo giá trị của bản thân mình, không vì sự thỏa mãn, vì sự thể hiện hay vì lợi ích cá nhân. Khi đó sẽ nhận được sự giúp đỡ chân thành của mọi người, được người quý mến và tôn trọng. Những người có đức tính khiêm tốn sẽ có một tâm hồn thanh thản, an nhiên, luôn có những suy nghĩ tích cực, có vốn kiến thức, am hiểu sâu rộng và đặc biệt luôn nhận được sự ưu ái, tín nhiệm và tình yêu thương của mọi người.

Các bạn biết đó bất luận chúng ta làm nghề gì, đảm nhận những chức cao, uy quyền tối cao trong xã hội đến đâu, thì chúng ta cũng phải lấy khiêm tốn làm trọng. Bởi lẽ, khi đó ta mới tránh được những khiếm khuyết của bản thân mà tự mình ý thức sửa đổi, hoàn thiện mình. Thay vì tỏ thái độ tự kiêu, tự mãn với năng lực và sự tài giỏi mà dần đánh mất những cơ hội học hỏi, tiếp thu thêm nhiều vốn kiến thức mới, và sẵn sàng nhận đóng góp ý kiến từ mọi người. Kiến thức là vô tận không ai dám chắc là mình uyên thâm hết tất cả. Chỉ cần giữ gìn và phát huy đức tính khiêm tốn thì chúng ta chắc chắn sẽ thành công và được mọi người yêu mến.

Zig Ziglar đã nói: “Hãy mạnh mẽ nhưng đừng thô lỗ, hãy tử tế nhưng đừng yếu đuối, hãy mạnh bạo nhưng đừng bắt nạt, hãy khiêm nhường nhưng đừng nhút nhát, hãy kiêu hãnh nhưng đừng kiêu ngạo”. Cuộc đời này là những cuộc đua không có hồi kết, con người không thể không ngừng học hỏi, làm mới mình, mỗi chúng ta phải có ý thức tự giác tiếp thu vốn kiến thức rộng lớn đó, không ngừng nỗ lực, cố gắng rèn luyện để hoàn thiện bản thân.

Giống như cha ông ta vẫn nói: “Núi cao còn có núi cao hơn, người tài còn có người tài hơn”. Cho dù là người tài năng đến mấy thì cũng không phải là duy nhất. Trước ta, đã có bao nhiêu người đi trước, ngay trong cuộc sống của ta đã có biết bao nhiêu người tài giỏi hơn ta gấp nhiều lần chỉ là ta chưa từng biết đến, sau ta sẽ còn nhiều còn người vĩ đại tài giỏi hơn ta rất nhiều. Vậy thì ta có lí do gì để tin rằng ta được quyền tự hào, tự cao thái quá về tài năng của mình khi mà ta chẳng qua chỉ là một phần nhỏ bé trong rất nhiều con người tài giỏi và chắc gì ta thực sự đã có tài đến mức được tôn vinh. Đừng bao giờ tự biến mình trở thành lối sống “Ếch ngồi đáy giếng, xem trời bằng vung”.

Trong cuộc sống hiện diện rất nhiều người có lòng khiêm tốn, chẳng hạn như nhà bác học vĩ đại Einstein, và chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam ta. Nhà bác học vĩ đại Einstein đã từng nói rằng “ Tôi chỉ là người bình thường như bao người khác thôi, cũng sống và làm công việc mình yêu thích, sao lại gọi tôi là người nổi tiếng ?” Là một nhà bác học vĩ đại nhưng ông luôn khiêm tốn trước lời khen ngợi, tung hô của người khác và luôn xem mình giống như những con người bình thường khác, chính sự giản dị, bình dị đó làm nên tên tuổi của ông được cả thế giới biết đến và trường tồn mãi với thời gian. Bác Hồ là tấm gương soi sáng cho sự khiêm tốn.  Suốt cuộc đời mình Bác luôn giữ cho mình một lối sống giản dị, thanh bạch. Dù trên cương vị là một vị chủ tịch nhưng Bác vẫn ở trong ngôi nhà đơn sơ sử dụng đồ dùng giản dị, vẫn nuôi cá, trồng rau, trồng hoa như thú vui đời thường như mọi người bình thường khác. Phong cách sống của Bác rất đỗi bình dị và chuẩn mực, Bác thân thiện với mọi người không bao giờ lấy sự uy quyền để đề cao bản thân, phô trương tài năng, tri thức lãnh đạo của mình mà xem thường người khác.

Bên cạnh những tấm gương về đức tính khiêm tốn thì song song đó cũng tồn tại không ít người có đức tính phô trương, kiêu ngạo, tự mãn với thành công của mình, tự nhận mình là người tài giỏi, học thức uyên thâm, hiểu biết sâu rộng, luôn khoe khoang, tự cao tự đắc. Hay có một số người lại khiêm tốn một cách thái quá, khiêm tốn giả tạo hay còn gọi là thảo mai để được mọi người quý mến. Hoặc thay vì sống khiêm tốn, nhiều người lại quá tự ti, khiêm tốn thái quá thì chính bạn sẽ tạo ra những rào cản trong cuộc sống, tự bó hẹp thu mình lại ít tiếp xúc với mọi người xung quanh bạn sẽ dần sống cô lập. Đồng thời, bạn cũng dễ bị bắt nạt, sự khiêm tốn đó khiến người khác xem thường bạn, họ sẽ nắm lấy điểm yếu đó để sai khiến và lợi dụng bạn và tự bạn sẽ đánh mất giá trị của bản thân. Chính vì thế, hãy luôn luôn nhìn cuộc đời này bằng những thước phim đẹp, phải trang bị cho mình sự tự tin, bản lĩnh khi đó sự khiêm tốn mới thể hiện đúng mực, đúng chuẩn, phải phân biệt rạch ròi sự khiêm tốn không phải là sự tự ti, hay là sự thảo mai mà đức tính đó phải xuất phát từ sự chân thành và khả năng vốn có của mình.

Trong công việc mà ta quá khiêm nhường, thiếu bản lĩnh, thiếu tự tin thì ta vô tình chặn đi con đường thăng tiến của chính mình, không thể phát huy hết được giá trị và năng lực của bản thân. Trong công việc các bậc lãnh đạo, điều hành công ty thường có những bài học đào tạo về đức tính khiêm tốn trong môi trường làm việc, nhưng không vì thế mà bạn quá khiêm tôn, tự ti, thiếu bản lĩnh, nhút nhát. Vì năng lực lãnh đạo không có dấu chân của người thiếu sự tự tin, khiêm tốn trong cả năng lực thì ban lãnh đạo và đồng nghiệp ai dám đề cử bạn lên những vị trí cao hơn, ngược lại nhận lại sự ngờ vực và khinh thường về năng lực chuyên môn của bạn từ đồng nghiệp và cấp trên.

Nếu một ngày, xã hội không có khiêm tốn, cuộc sống trở nên vô vị. Chỉ tồn tại những con người tự cao, luôn xem mình là tài giỏi bậc nhất, sớm hài lòng bản thân, ngủ trên vinh quang, trên chiến thắng tạm thời mà quên đi sự cầu thị, cầu tiến, không tự mình vươn lên, không tự mình tiến bộ sẽ bị tụt hậu bị mọi người xung quanh căm ghét vì quá kiêu ngạo. Còn một số người khác thì rụt rè, tự ti, xem nhẹ giá trị bản thân mình. Những con người như thế sẽ khó thành công trong công việc, cần phải khắc phục và bài trừ những đức tính không tốt đó ra khỏi xã hội.

Mỗi chúng ta cần phải thực hiện tính khiêm tốn từ những công việc, hành động nhỏ nhất. Học đức tính hòa nhã, nhã nhặn, không theo đuổi danh vọng mà đánh mất chính mình, không cho thành công của mình là lớn lao, là vĩ đại, như vậy cuộc sống con người sẽ chan hòa hơn. Rèn luyện cho bản thân đức tính khiêm tốn là một cách để chúng ta tiến gần đến thành công hơn.

Tóm lại, khiêm tốn là đức tính góp phần nâng cao giá trị con người. Bản thân tôi cũng phải tự rèn luyện bản thân cho mình đức tính khiêm tốn để phát triển bản thân cũng như góp phần phát triển xã hội và đất nước. Khiêm tốn là một đức tính cần thiết và lối sống đẹp trong xã hội hiện nay. Không ai trên thế gian này là hoàn hảo cả. Sự khiêm nhường được ví như là một giọt nước giữa đại dương mênh mông, sự khiêm tốn là đức tính vô cùng cần thiết và đáng quý. Khiêm tốn giúp ta tự hoàn thiện bản thân, mở rộng tầm mắt, sự am hiểu kiến thức để cùng giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ. Chính vì vậy hãy thể hiện đức tính khiêm tốn sao cho đúng mực, đừng quá khiêm nhường và cũng đừng quá tự cao về bản thân mình các bạn nhé.

Nguồn: VerbaLearn.com

Nghị luận về đức tính nghiêm tốn – Mẫu 2

Trong cuộc sống hiện đại như ngày nay ta có thể thấy con người cần phải học hỏi rất nhiều thứ như kĩ năng sống, học cách kiên trì nhẫn nại, sự quả quyết, có tấm lòng bao dung,…. Và còn rất rất nhiều thứ mà con người cần phải học và phát huy những đức tính ấy. Trong những thứ đó không thể không nhắc đến đức tính khiêm tốn. Đây là một trong những đức tính mà Bác Hồ chúng ta từng dặn trong 5 điều Bác Hồ dạy đó là “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” và đó là lý do đức tính này rất cần được truyền dạy cho các thế hệ con em chúng ta.

Vậy khiêm tốn là gì? Khiêm tốn chính là đức tính tốt đẹp của con người, được biểu hiện thông qua thái độ tự đánh giá bản thân, không đề cao mình một cách thái quá, luôn học hỏi thêm và biết kính trên nhường dưới. Nhiều người cho rằng, nếu họ khiêm tốn thì họ phải che giấu đi những thành công mà họ đạt được, họ không được nói cho người khác nghe về sự giàu có của mình, hay họ không được mọi người tung hô khi họ làm được một việc gì đó lớn lao. Làm như vậy thì có đang bất công với họ hay không. Nên vì thế họ thường không lựa chọn khiêm tốn mà thay vào đó họ lại đi khoe khoang, luôn luôn ca ngợi bản thân, luôn thể hiện mình là người có rất nhiều tiền để mọi người ngưỡng mộ. Nhưng với cái suy nghĩ như thế là chính bạn đang tự đẩy mình ra xa với mọi người, bởi những hành động kiêu ngạo như thế khiến mọi người cảm thấy không mấy hài lòng và không có thiện cảm với bạn đâu. Bởi trong cuộc sống này vẫn có rất nhiều người tài giỏi, giàu có, họ không hề khoe mẻ gì với mọi người nhưng ngược lại họ lại được mọi người biết đến rất nhiều, thậm chí còn gây thiện cảm và được nhiều người yêu mến. Điển hình là tỷ phú Mark Zuckerberg, là người sáng lập ra ứng dụng Facebook hầu như ai cũng biết đến, ông đang xếp vị trí thứ 15 trong danh sách người giàu nhất thế giới. Mặc dù ông giàu như thế nhưng có lẽ hình ảnh “trăm ngày như một” gồm chiếc áo phông xám và quần jean đã trở nên quá quen thuộc đối với mọi người khi nhắc đến ông trùm Facebook này. Hay Bác Hồ chúng ta đường đường là một chủ tịch của một quốc gia nhưng Bác vẫn luôn mang cho mình một phong thái giản dị, khiêm tốn. Bác vẫn ở trong một ngôi nhà sàn nhỏ, mỗi bữa ăn chỉ vài ba món đơn giản, phong cách ăn mặc thì chỉ có vài bộ kaki và đôi dép cao su thương hiệu. Phải chăng những người khiêm tốn luôn tự toát ra một phong thái tao nhã, đơn giản nhưng không hề mất đi vẻ đẹp thông minh và sự tài giỏi, khiến cho mọi người luôn trầm trồ và ngưỡng mộ. 

Sự khiêm tốn được thể hiện thông qua những hành động và lời nói. Muốn biết người đó có đức tính khiêm tốn hay không, chỉ cần bạn để ý những lời nói và hành động của người đó là bạn sẽ nhận ra ngay. Nếu họ có những hành động kiêu căng, luôn thể hiện mình tài giỏi cái gì cũng biết, luôn nói quá về những gì mình đang có và luôn tranh giành, cướp lời của tất cả mọi người thì đó chắc chắn là những người không khiêm tốn rồi. Còn nếu bạn gặp một người nói chuyện nhẹ nhàng, đồng cảm, gần gũi, luôn biết mình biết ta, không so đo thì đó chính là người biết khiêm tốn. Thật ra, ẩn sâu trong mỗi người đều có đức tính khiêm tốn, chỉ là họ chưa chịu đánh thức nó. Khiêm tốn cũng giống như một kĩ năng vậy, nó cần được rèn luyện hằng ngày để làm quen với nó. Tỷ phú Bill Gate từng chia sẻ rằng ông đã phải học cách khiêm tốn thông qua những hoạt động bình thường như rửa chén sau mỗi bữa ăn và tự đưa con đến trường mỗi sáng. Ông còn kể thỉnh thoảng ông tỏ vẻ lên mặt, kiêu ngạo thì đều được vợ ông và bạn thân của mình phê bình, chỉnh đốn ông ngay lập tức. Bởi vậy, đâu phải ai sinh ra cũng đều có sẵn cho mình đức tính khiêm tốn. Bản tính khiêm tốn còn tùy thuộc vào môi trường xung quanh ta sống. Nếu sống trong một môi trường mà toàn người khoe khoang, kiêu ngạo thì ít nhiều gì bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng những đức tính xấu đó. Vì vậy, việc giáo dục tính khiêm tốn cho các trẻ nhỏ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường là điều rất cần thiết. 

Ngoài ra, sự khiêm tốn còn giúp bản thân mình luôn luôn ở trong tâm thế nỗ lực, quả thật như vậy, chúng ta đều nghĩ chúng ta đã quá tài giỏi hơn rất nhiều người rồi thì tại sao phải cần cố gắng? Nhưng không đâu các bạn ơi! Ông bà ta từng có câu “Núi cao, còn có núi cao hơn” tức là cho dù bạn tài giỏi đến đâu đi chăng nữa vẫn sẽ có người giỏi hơn bạn. Bạn cứ nghĩ bạn là một cục đá to nhất trong đống cát nhỏ nên bạn cứ kiêu ngạo với đống cát. Nhưng bạn đâu biết rằng ở ngoài kia còn rất rất nhiều tảng đá to hơn bạn, thậm chí nó có thể đè bạn bất cứ lúc nào. Nên vì thế, những người biết khiêm tốn họ luôn biết cách kiểm soát bản thân mình, luôn giữ mình ở thế chủ động học hỏi cho dù những thứ đó mình đã biết rồi nhưng có thể học thêm để đào sâu hơn vấn đề đó. 

Sự khiêm tốn luôn được đề cao trong xã hội, vì vậy nó cần được rèn luyện thường xuyên, rèn luyện ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Bạn có thể rèn luyện khiêm tốn dựa trên những đức tính khác như sự bao dung, lòng biết ơn, sự kiên trì,… Tất cả những đức tính đó sẽ giúp cho sự khiêm tốn của bạn trở nên rõ ràng hơn, khi bạn có tấm lòng bao dung bạn sẽ cảm thấy cuộc sống này thoải mái và thanh thản hơn. Hay khi bạn biết ơn ai đó là lúc chúng ta đang thể hiện sự khiêm tốn của mình. Không nhất thiết là biết ơn về một người nào đó rõ ràng, ta có thể biết ơn cuộc đời đã giúp chúng ta phát triển, giúp ta tồn tại và trải nghiệm được hết những cung bậc cảm xúc trong cuộc đời mỗi con người. 

Con người thì ai cũng sẽ có ưu và nhược điểm, nên chúng ta cũng đừng đem bản thân mình ra để so sánh với người khác làm gì. Thứ mà chúng ta cần nhất là sự học hỏi, chấp nhận những khuyết điểm của mình để mà cố gắng, bớt cái “tôi” của mình lại. Học cách lắng nghe những lời khuyên, sự góp ý của người khác để bản thân mình tự thấy mình không hoàn hảo, từ đó ta sẽ không kiêu căng, tự phụ với mọi người. Hãy thay đổi để bản thân phát triển hơn và hãy khiêm tốn đón nhận sự giúp đỡ của mọi người. 

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần khiêm tốn đúng mực, không thái quá. Bởi vì, cái gì quá cũng sẽ không tốt. Khiêm tốn cũng vậy nếu chúng ta khiêm tốn quá mức sẽ khiến cho cuộc sống chúng ta gặp nhiều rắc rối, phiền phức. Nếu bạn làm quá nó thì rất có thể bạn đang tự hạ giá trị của mình, khiêm tốn quá sẽ làm bạn ít nói đi, nhút nhát và khi bạn không nói những thứ cần phải nói thì tự khắc người khác sẽ không hiểu bạn, rất có thể gây hiểu lầm cũng như giá trị bản thân bạn đối với mọi người xung quanh sẽ không còn cao. Vì vậy, cho dù bạn là người khiêm tốn thì vẫn hãy cứ tự tin nhé. Hoặc nếu khiêm tốn quá sẽ làm cản trở sự thăng tiến trong công việc, sẽ không ai dám đề cử một người nhút nhát lên làm lãnh đạo cả. Đồng thời nếu khiêm tốn quá, tức là bạn đang tạo ra những rào cản trong cuộc sống, khi mà bạn không tiếp xúc với mọi người dẫn đến khả năng giao tiếp của bạn sẽ kém dần, điều này rất tai hại đến công việc cũng như các mối quan hệ xã hội. Ngoài ra, sự khiêm tốn của bạn quá mức sẽ khiến cho người khác dễ bắt nạt bạn, họ coi thường khả năng của bạn và bạn luôn là người để họ sai vặt bất cứ lúc nào. Tóm lại, khiêm tốn không phải lúc nào cũng phải quá mức, bạn nên biết dung hòa đức tính này ở mọi hoàn cảnh khác nhau, hãy luôn nhìn cuộc đời bằng sự tự tin và chân thành nhất. 

Khiêm tốn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống. Mỗi con người đều luôn hướng đến chân – thiện – mỹ, “thiện” ở đây thể hiện đức tính khiêm tốn xuất phát từ trong tâm của mỗi người. Ý nghĩa của khiêm tốn còn giúp chúng ta biết cách trân trọng cuộc sống này hơn, nó luôn mang đến những cơ hội để chúng ta phát triển. Tất cả đều vì mục tiêu hoàn thành công việc, khiêm tốn còn là thước đo giá trị bản thân, giúp chúng ta thấu được tính cách của một con người.

Thông qua đây ta có thể thấy rằng chính sự khiêm tốn đã gắn kết con người lại với nhau tạo nên một xã hội văn minh, tiến bộ và hạnh phúc. Khiêm tốn còn giúp chúng ta hoàn thiện bản thân mình và không ngừng phấn đấu trong cuộc sống để phát triển bản thân cũng như góp phần phát triển xã hội và đất nước.

Nguồn: VerbaLearn.com

Nghị luận về đức tính nghiêm tốn – Mẫu 3

Có một câu chuyện tôi rất tâm đắc như thế này, có người thầy giáo hỏi giữa các bình và ly thì cái nào sẽ nhận được nước trà? Người học trò nhanh nhảu đáp: “Cái ly nhận được nước trà ạ”. Thế thì theo con cái ly sẽ nằm ở đâu mới nhận được nước? “Thưa thầy nó phải nằm thấp hơn bình trà” và người thầy nói tiếp, do đó khi con muốn nhận được gì thì phải ở vị trí thấp hơn người khác. Muốn được giúp đỡ, chỉ dạy, yêu thương thì con phải biết sống nhún nhường và khiêm tốn.

Thật vậy, nếu như bạn lúc nào cũng ở cao hơn người khác thì sẽ không nhận lại được bất kỳ thứ gì cả. Vì thế, khiêm tốn rất quan trọng trên hành trình vươn đến thành công. Đó là thái độ nhã nhặn, luôn có ý thức đúng mực trong việc đánh giá bản thân, nghĩ rằng mình vẫn còn kém dở, thiếu sót. Không tự mãn tự kiêu, không tự cho mình là hơn người hơn đời. Có những cách ứng xử hòa nhã, nhún nhường, lịch sự, đề cao những thành tựu của người khác và không ngừng học hỏi, trau dồi thêm. Biết tôn trọng bản thân mình và mọi người, trong công việc và cuộc sống, họ thường không thỏa mãn những gì mình đã đạt được mà luôn cố gắng phấn đấu hơn nữa để có thể gặt hái được những kết quả tốt đẹp. Khiêm tốn còn chính là một lối sống lành mạnh, biết tự đánh giá năng lực của bản thân, luôn hướng về phía trước tiến bộ, tích cực. Đây là một đức tính đáng quý, cần có ở mỗi con người

Lâm Ngữ Đường một học giả Trung Quốc đã từng nói: “Lòng khiêm tốn có thể coi là một bản tính căn bản cho con người trong nghệ thuật xử thế và đối đãi với sự vật”. Những người này luôn sống hướng thượng, tự khép mình trong những khuôn thước của cuộc đời, bao giờ cũng nuôi cao óc học hỏi, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão. Thành công thì không khoe khoang, tự đắc, thất bại thì không chán nản bỏ cuộc.  Họ tự cho mình là kiến thức vẫn còn nhỏ bé, hạn hẹp, chỉ như “ếch ngồi đáy giếng” cần phải bồi đắp, tôi luyện nhiều. Họ thường không hài lòng, không chấp nhận những gì đang có, lúc nào cũng tự “gắn mác” cho mình những ưu điểm của bản thân chỉ là tầm thường, chưa đáng kể. Ngoài ra, biểu hiện cao nhất của một người khiêm tốn là lòng biết ơn, biết kính trên nhường dưới. Luôn đánh giá cao người khác và hạ thấp mình, không ganh đua, so sánh thiệt hơn. Ở họ, còn là một khả năng tự cường tự chủ, chiến thắng cái tôi bản ngã của mình. Trong giao tiếp hàng ngày, luôn sử dụng từ ngữ giản dị, dễ hiểu, không văn vẻ hay tỏ ra thông thái bác học, cũng không nói quá nhiều về mình, làm nhiều hơn nói. Nếu bạn khiêm tốn đương nhiên là bạn biết lắng nghe, tiếp thu, nhỏ nhẹ khi nói chuyện hoặc tranh luận. Bạn sẽ biết tự lượng sức mình, không khinh thường  xem nhẹ hay làm tổn thương ai đó, tôn trọng suy nghĩ quan điểm của người khác,ít thành kiến phân bua, biết hòa giải tốt. Nếu bạn là một người khiêm tốn, đương nhiên sẽ luôn sống thành thật, trung thực vì chẳng có lí do gì để lừa mình, lừa người khác. Ở bạn, sẽ có lòng can đảm, khả năng lãnh đạo tốt, ngoại giao giỏi, hòa đồng thân thiện, lấy lời khen, tấn thưởng làm niềm vui chứ không tự mãn và biết cách chấp nhận lời chê trách phê bình để khắc phục, sửa đổi. Nếu bạn giàu có, dư giả nhưng không phung phí, không vì tiền mà khinh rẻ, phân biệt đối xử người này người kia, bạn là người tài giỏi thông minh nhưng không cậy quyền cậy thế, ỷ lại vẫn miệt mài đèn sách học tập, ra sức lao động sản xuất để tạo ra nhiều của cải vật chất. Biết mình, biết ta,  “núi này cao còn có núi khác cao hơn”, đức tính khiêm tốn được coi là bản tính căn bản, là gốc rễ của mọi phẩm chất đạo đức của con người.

Có một điều thú vị là phần lớn những người thành công trong cuộc sống đều có đức tính này, họ càng thành công họ càng khiêm tốn, không bao giờ thể hiện mình tài năng. Albert Einstein không chỉ là một nhà khoa học đại tài với nhiều cống hiến vĩ đại  mà còn là người nổi tiếng khiêm tốn. Sinh thời, với danh tiếng của mình, ông được rất nhiều nước mời đến diễn thuyết. Có một lần, ông nhận lời đến nước Bỉ, lặng lẽ một mình đến Hoàng cung mà không lên đoàn xe hộ tống, ông đi đến đâu cũng được mọi người tôn sùng và chào đón nồng nhiệt nhưng nhà bác học ấy không vì thân phận của mình mà đòi hỏi điều gì, không vì địa vị tài năng mà tự cao tự đại. Luôn xử sự một cách ôn hòa, khiêm nhường với câu nói huyền thoại: “Tôi chỉ là một người bình thường như bao người khác thôi, cũng sống là làm công việc mình yêu thích, sao lại gọi tôi là người nổi tiếng”. Vào thời đại nhà Tống, mặc dù các tác phẩm được đánh giá cao là đã đạt đến đỉnh cao nhưng đại văn hào Âu Dương Tu vẫn luôn biết người thỉnh giáo, chỉ bảo khi hoàn thiện những tác phẩm của mình. Ông ra sức sửa đổi văn phong, bỏ đi lối viết sáo rỗng hoa mỹ nhưng lại không có nội dung đặc sắc, chú trọng phát hiện bồi dưỡng nhân tài. Xưa nay, những người càng hiểu biết, có thực tài lại rất khiêm tốn. Họ càng khiêm tốn thì dung lượng của tâm càng lớn, đức hạnh càng nhiều.

Người xưa có nói: “ Trăm sông chảy về biển vì biển thấp hơn sông”, người Do Thái cũng có câu ngạn ngữ: “Bông lúa càng nhiều hạt, đầu nó càng rủ xuống”. Vì vậy, người giỏi thường hay khiêm tốn, phẩm chất quan trọng này chính là yếu tố giúp ta giỏi lên hàng ngày, ta sẽ học hỏi được rất nhiều cái hay, cái đẹp của tất cả mọi người. Khiêm tốn là phương thuốc tốt nhất giúp bạn tránh xa thói kiêu căng, tự phụ. Khi càng khiêm tốn, bạn sẽ càng biết cách giảm cái tôi, cái bản ngã của chính mình, sống chân thật, thân thiện, nhìn nhận bản thân một cách đúng đắn, không ảo tưởng rồi bị cuốn theo những tham vọng xấu xa. “Hành trang quan trọng nhất của con người là khiêm tốn và giản dị”. Nó sẽ giúp con người ta không ngủ quên trên chiến thắng và sẽ lấy thành công làm động lực thúc đẩy tiếp tục tiến lên phía trước, từ đó gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp mỹ mãn, giúp hoàn thiện bản thân hướng đến giá trị chân thiện mỹ. Được mọi người yêu quý, xem trọng. Một xã hội có được nhiều con người biết khiêm tốn, với học mọi điều mình làm vẫn còn chưa đủ tốt cần phải bồi đắp, xây dựng thêm thì xã hội ấy sẽ liên tục phát triển và đi lên.

Karl Marx từng khẳng định: “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu một chút cũng là nhiều”. Hay là câu “một khiêm tốn bằng bốn tự kiêu”. Đâu đó trong cuộc sống có rất nhiều người gắn mác khiêm tốn để làm vỏ bọc bên ngoài cho sự khoe mẽ về trình độ, nhằm chuộc lợi, nâng cao giá trị bản thân. Cũng không ít người vì quá tự hào với những gì đã làm được mà nảy sinh tính khoe khoang, tự mãn, kiêu ngạo tự khen mình, lén chê người, dễ bị những lời khen chê mà phán đoán, trở nên khinh thường và coi nhẹ người khác. Cho mình là tài giỏi không lắng nghe hay học hỏi thêm. Chính sự kiêu căng ấy còn là mầm mống của bất hòa và tai họa, nó sẽ làm hỏng cả những thiên tài tốt đẹp, duy chỉ có sự quyến rũ lớn nhất của mọi quyền năng là tính khiêm tốn. Thực tế, đức tính khiêm tốn luôn được xem trọng vì không ai khuyến khích hay yêu thích một người quá đề cao cái tôi của bản thân, lúc nào cũng xem mình là “cái rốn của vũ trụ”. Có một công thức thú vị đã được nhà bác học Einstein chia sẻ là cái tôi bằng một chia sự hiểu biết, nghĩa là cái tôi và sự hiểu biết tỉ lệ nghịch với nhau, càng tài trí hơn người càng khiêm tốn đó mới là cách sống khôn ngoan. Nhưng biết khiêm nhường, khiêm tốn không có nghĩa là ta luôn tự ti, rụt rè, nhèn nhát thái quá, nhốt mình trong cái vỏ ốc tưởng tượng, hay ít thể hiện. Sự kiêu ngạo hơn thua là một bản năng của con người, có người ít người nhiều. Muốn rèn luyện đức tính khiêm tốn và hạn chế tâm kiêu ngạo thì ta cần phải dừng xét nét, chỉ trích, phê phán khuyết điểm của người khác rồi ảo tưởng về tài năng của mình và để thỏa mãn bản tính hơn thua, đố kị. Luôn tự nhắc mình vẫn còn kém dở, chỉ là một hạt cát trong sa mạc mênh mông, một giọt nước nhỏ trong cả đại dương rộng lớn. Sự hiểu biết của một cá nhân không thể đem đi so sánh với nhiều người, nên biết nỗ lực rèn luyện học hỏi từng ngày. Nuôi dưỡng lòng biết ơn với mọi người với những yếu tố đã giúp bạn thành công, để tránh tự đắc khi đứng trên đỉnh vinh quang. Noi gương những vĩ nhân, những người sống khiêm tốn. Thấy được ưu điểm, cái hay cái đẹp của những người xung quanh để từ đó noi theo, có sự tôn trọng, nể phục, khen ngợi họ. “Một doanh nhân lấy thiên hạ làm thầy sẽ gặt hái được nhiều hơn một doanh nhân khác lấy mình làm thầy của thiên hạ”.

Những người không có tài thực sự thì lại thường hay khoe mẽ, tự tâng bốc bản thân mình. Còn người có học thức phong phú thì lại phi thường khiêm tốn, không chứng tỏ mình, không tự tin ngạo mạn thái quá, không vì chút thành tựu mà đắc chí. Chính vì những lẽ đó mà tâm tính và năng lực của những người biết sống khiêm tốn nhã nhặn sẽ luôn được thăng hoa, đề cao. “Khiêm tốn là mẹ của đức hạnh và các kỹ năng”.

Nguồn: VerbaLearn.com

Hiếu Trung

Là một cử nhân tài chính nhưng lại đam mê viết lách, năm 2019 tôi thành lập website VerbaLearn để phân tích các kiến thức về tài chính, marketing và các phương pháp kiếm tiền online. Mong những kinh nghiệm từ bản thân tôi sẽ giúp đỡ bạn trên hành trình tự do tài chính.